preloader

Kiểm tra sức khỏe định kỳ đúng cách

Ngày tạo 18/05/2021 , Đã xem: 504

Kiểm tra sức khỏe định kỳ giờ không còn xa lạ với đa số người dân khi điều kiện kinh tế đã được cải thiện cũng như ý thức bảo vệ và chăm sóc sức khỏe được nâng lên. Điều khiến nhiều người phân vân là kiểm tra sức khỏe thì nên bắt đầu từ đâu, kiểm tra những gì, mức độ tin cậy của những kết quả xét nghiệm ra sao…

kiem-tra-suc-khoe-dinh-ky-dung-cach

Trả giá đắt vì khám sót bệnh

Trong quá trình công tác, bác sĩ Trần Quốc Khánh (Khoa Phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức) gặp nhiều trường hợp có ý thức kiểm tra sức khỏe định kỳ nhưng do không được bác sĩ tư vấn đầy đủ nên khi khám tầm soát đã để sót bệnh, phải trả giá đắt bằng mạng sống.

Đơn cử như trường hợp của một doanh nhân hơn 50 tuổi, là chủ đầu tư của chuỗi phòng khám tư nhân ở Hà Nội. Hằng tháng, vị doanh nhân này đều kiểm tra sức khỏe tại chính phòng khám của mình. Dù các xét nghiệm máu, siêu âm tim, siêu âm ổ bụng, chụp x-quang phổi… đều cho kết quả tốt nhưng ông vẫn cảm thấy mệt mỏi, ăn uống không ngon miệng, người gầy đi.

Sau đó, ông được người thân đưa đến Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức. Tại đây, khi được hỏi về việc nội soi dạ dày, đại tràng, bệnh nhân cho biết, dù đã thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ thường xuyên nhưng lại bỏ qua việc nội soi dạ dày. Kết quả, khi nội soi dạ dày, các bác sĩ đã phát hiện một khối u kích thước khá lớn trong dạ dày và chỉ hơn 7 tháng sau, bệnh nhân này đã tử vong.

Tương tự, một doanh nhân hơn 50 tuổi ở TP Vinh (tỉnh Nghệ An) làm việc trong môi trường áp lực lớn, hút thuốc lá nhiều năm liền và thường xuyên uống rượu, bia nhưng lại không kiểm tra sức khỏe định kỳ. Cách đây ít lâu, người này bị nhồi máu cơ tim cấp, tắc mạch vành và được đưa vào cấp cứu ngay tại bệnh viện ở địa phương. Gia đình có nguyện vọng chuyển bệnh nhân tới một bệnh viện lớn ở Hà Nội để điều trị. Thế nhưng, nếu phải di chuyển một quãng đường dài thì nguy cơ bệnh nhân tử vong là rất cao nên các bác sĩ ở Nghệ An đã tiến hành đặt stent mạch vành cứu sống bệnh nhân…

Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường, gout, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính... chiếm tỷ lệ cao và là gánh nặng bệnh tật lớn nhất ở Việt Nam. Giải pháp đầu tiên để phòng những bệnh này là tăng cường quản lý sức khỏe cá nhân, khám sàng lọc, phát hiện sớm bệnh để điều trị kịp thời nhằm giảm biến chứng, hạn chế tử vong, đồng thời tiết kiệm chi phí điều trị. Ngoài ra, việc kiểm tra sức khỏe định kỳ còn giúp mỗi người có cái nhìn tổng quan về sức khỏe, qua đó điều chỉnh chế độ ăn uống, dinh dưỡng, lối sống, phương pháp làm việc… phù hợp.

Còn theo bác sĩ Trần Quốc Khánh, việc tầm soát, phát hiện sớm bệnh thông qua khám sức khỏe định kỳ là vô cùng quan trọng. Thế nhưng, hiện có rất ít người hiểu rõ về các gói khám sức khỏe định kỳ và tổng quát. Thậm chí, họ không biết nên lựa chọn gói khám nào. Vấn đề đặt ra là nhiều người không được bác sĩ tư vấn cụ thể để biết với tuổi của họ thì cần khám những gì, khám thế nào là đúng, đủ.

“Chìa khóa” cho một cơ thể khỏe mạnh

Theo bác sĩ Trần Quốc Khánh, khi kiểm tra sức khỏe định kỳ, điều cần làm là tìm đến một bác sĩ có chuyên môn ở bệnh viện uy tín và trình bày về tình trạng sức khỏe hiện tại cùng những biểu hiện bất thường. Từ đó, bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể để người đến khám biết nên kiểm tra, xét nghiệm chuyên sâu liên quan tới những bộ phận nào trong cơ thể. Những trường hợp chưa có triệu chứng bệnh thì nên thực hiện các xét nghiệm thăm dò như: Siêu âm ổ bụng tổng quát; siêu âm tuyến giáp, tuyến vú, khám sản phụ khoa (với nữ); siêu âm tinh hoàn và tuyến tiền liệt (với nam).
 

kiem-tra-suc-khoe-dinh-ky-dung-cach-2

Khám sức khỏe định kỳ là biện pháp tốt để người dân bảo vệ sức khỏe.

 

Ngoài ra, nên chụp x-quang phổi thẳng và nghiêng - không chỉ để biết thông tin về tình trạng tim, phổi mà còn giúp phát hiện các bệnh lý như lao phổi, viêm phổi, u phổi, kén khí bẩm sinh ở phổi, hen phế quản, cao huyết áp, các bệnh lý về xương ức, xương sườn, xương đòn và cột sống ngực. Đặc biệt, với những người hút thuốc lá nhiều thì việc chụp x-quang phổi định kỳ 6 tháng/lần là điều nên thực hiện.

Bác sĩ Trần Quốc Khánh cũng lưu ý, với những người bước vào tuổi trưởng thành thì quyết định nội soi dạ dày và đại tràng để kiểm tra đường tiêu hóa ít nhất 1 năm/lần là điều rất cần thiết. Người chưa từng xét nghiệm máu nên làm hầu hết các xét nghiệm liên quan đến máu, bởi mỗi mục xét nghiệm có giá trị riêng.

Cụ thể, xét nghiệm sinh hóa máu giúp đánh giá chức năng gan, thận, tình trạng đường máu, tình trạng mỡ máu. Xét nghiệm đông máu là để biết tình trạng đông máu của cơ thể và gián tiếp đánh giá chức năng gan. Xét nghiệm hệ miễn dịch giúp phát hiện và loại trừ các bệnh lý như viêm gan các loại (gồm viêm gan A, B, C), vi rút HIV, các tổn thương ung thư... Trong các xét nghiệm nói trên, việc xét nghiệm nhóm máu và đông máu không nhất thiết thực hiện định kỳ 6 tháng/lần vì nhóm máu không thay đổi, còn chỉ số đông máu cũng thường ổn định.

Cùng với việc khám sức khỏe định kỳ, theo bác sĩ Trần Quốc Khánh, điều quan trọng nhất là luôn có ý thức giữ gìn và bảo vệ sức khỏe bản thân bằng việc tích cực vận động, tập thể dục thể thao, có chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý, hạn chế uống rượu và hút thuốc, giữ tinh thần lạc quan, yêu đời… Đó chính là “chìa khóa” cho một cơ thể khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần.
 


Khi bạn cần sản phẩm của chúng tôi Bạn chỉ cần gọi ( hoặc email thanhthong1009@gmail.com ) Chúng tôi sẽ tư vấn sản phẩm phù hợp nhất với bạn
Có thể bạn cũng thích ...
   ĐĂNG KÝ KHÁM
  CẤP CỨU 24/24
  Chat với Chúng Tôi